Tin liên quan
BẢN TIN ATAX THÁNG 09/2023
Tải bản tin ATAX tháng 09/2023 tại đây.
HƯỚNG DẪN XUẤT HÓA ĐƠN ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP TRẢ LẠI HÀNG HÓA
ATAX đã tổng hợp một số công văn từ các Cục thuế địa phương về việc hướng dẫn xuất hóa đơn đối với trường hợp trả lại hàng hóa như sau:
Công văn |
Nội dung |
Công văn 3168/CTBDI-TTHT ngày 13/09/2023 Cục thuế Bình Định
|
Trường hợp Công ty có phát sinh mua hàng hóa và nhà cung cấp đã xuất hóa đơn, nhưng sau đó công ty trả lại hàng cho nhà cung cấp thì: khi trả lại hàng hóa theo hóa đơn mà nhà cung cấp đã xuất bán, thì công ty (người mua) xuất hóa đơn ghi trả lại hàng hóa cho người bán, nếu hàng hóa thuộc diện không giảm thuế GTGT. |
Công văn 13603/CTHDU-TTHT ngày 12/09/2023 của Cục thuế Hải Dương |
Trường hợp tháng 01 năm 2023 Công ty bán hàng và xuất hóa đơn với thuế suất thuế GTGT 10% cho người mua, đến thời điểm hiện tại một số hàng hóa không đảm bảo chất lượng, bên mua trả lại hàng. Công ty thực hiện lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập với thuế suất thuế GTGT 10%, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại. |
Công văn 1777/CTGLA-TTHT ngày 11/09/2023 của Cục thuế Gia Lai |
Trường hợp Công ty áp dụng hoá đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC; Công ty có xuất khẩu hàng hóa sau đó khách hàng nước ngoài trả lại hàng hoá thì Công ty thực hiện lập hoá đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP: trên hoá đơn ghi số lượng hàng hoá trả lại, tổng tiền thanh toán (số âm). Công ty thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế cho kỳ tính thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nêu trên. Công ty có trách nhiệm xác định và nộp lại số tiền thuế GTGT đã được hoàn tương ứng với giá trị hàng hoá xuất khẩu bị trả lại, nộp tiền chậm nộp theo quy định. |
Công văn 9342/CTQNI-TTHT ngày 05/09/2023 của Cục thuế Quảng Ninh |
Trường hợp Công ty bán hàng (người bán) và đã lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng (người mua), khi người mua hoàn trả hàng hóa do hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ nguyên nhân và thực hiện như sau: Người mua lập hóa đơn điện tử giao lại cho người bán theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hoặc có thể lựa chọn một trong hai cách là người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh/thay thế hóa đơn đã lập theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. |
Công văn 20785/CTBDU-TTHT ngày 29/08/2023 của Cục thuế Bình Dương |
Trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại. |
Công văn 20009/CTBDU-TTHT ngày 23/08/2023 của Cục thuế Bình Dương |
Trường hợp nếu Công ty đã xuất hóa đơn và gửi cho người mua, có phát sinh trường hợp người mua trả lại một phần hoặc toàn toàn bộ hàng hóa thì khi trả lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa của hóa đơn mà người bán đã xuất bán, người bán xuất hóa đơn ghi trả lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa cho người mua theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP nêu trên. Công ty căn cứ thời điểm mua bán hàng hóa để xác định thuế suất thuế GTGT phù hợp với nghiệp vụ kinh tế phát sinh Trường hợp Công ty có phát sinh hóa đơn điều chỉnh, thay thế theo quy định thì Công ty thực hiện kê khai bổ sung tại kỳ tính thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội và khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. |
Công văn 8999/CTTPHCM-TTHT ngày 19/07/2023 của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh |
Về lập hóa đơn trong trường hợp người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung trên hóa đơn theo quy định, hóa đơn điện tử phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại. Đối với trường hợp hàng hóa đã mua trước 01/01/2023 thuộc đối tượng giảm thuế GTGT với thuế suất 8%, sau ngày 31/12/2022 người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng, thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa với thuế suất thuế GTGT 8%. |
DỰ THẢO SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH 123/2020/NĐ-CP VỀ HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về:
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về HĐĐT nhằm đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, các tổ chức trong việc sử dụng hóa đơn, biên lai, chứng từ điện tử và bổ sung quy định quản lý chứng từ trong hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược;
- Bổ sung quy định liên quan giải pháp pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế gian lận khi doanh nghiệp đăng ký sử dụng HĐĐT và trong quá trình sử dụng HĐĐT, quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về biên lai, chứng từ;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin HĐĐT;
- Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ;
- Sửa đổi các biểu mẫu, thủ tục.
Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp.
Quý vị có thể xem toàn văn và đóng góp ý kiến tại đây.
Nguồn: Chinhphu.vn
MỘT SỐ CÔNG VĂN BAN HÀNH TRONG THÁNG 09/2023
(click vào tên công văn để đọc toàn bộ nội dung)
- Chính sách thuế đối với khoản bồi thường hàng xuất khẩu (Công văn 3162/CTBDI-TTHT ngày 13/09/2023 của Cục thuế Bình Định)
1. Trường hợp theo hợp đồng, Công ty giao hàng xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài là Công ty OKUNO mà không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã yêu cầu, Công ty phải bồi thường cho Công ty OKUNO với “giá trị bồi thường” trừ vào giá trị tiền hàng thanh toán, nên số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng thực tế nhỏ hơn số tiền theo Invoice và hóa đơn GTGT. Để đáp ứng điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hóa xuất khẩu, thì:
- Đối với chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng theo trường hợp này, Công ty phải lập văn bản thỏa thuận giảm giá có giải trình rõ lý do điều chỉnh giảm giá do hàng hóa không đạt chất lượng với Công ty OKUNO.
- Công ty lập lại hóa đơn GTGT để điều chỉnh giảm giá bán hàng xuất khẩu do hàng kém chất lượng. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, biên bản hoặc thỏa thuận giữa hai bên, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, Công ty kê khai điều chỉnh giảm doanh thu xuất khẩu theo quy định.
2. “Giá trị bồi thường” theo trường hợp này không liên quan đến Thuế nhà thầu nước ngoài, căn cứ vào hồ sơ chứng từ liên quan đơn vị hạch toán giảm trừ doanh thu.
- Thuế nhà thầu đối với cước vận chuyển nước ngoài (Công văn 6393/CTQNA-TTHT ngày 31/08/2023 của Cục thuế Quảng Nam)
Trường hợp Công ty trực tiếp thanh toán tiền cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi nước ngoài cho hãng vận tải nước ngoài là nhà cung cấp ở nước ngoài theo khoản 1 Điều 73 Thông tư số 80/2021/TT-BTC mà hãng vận tải nước ngoài này không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư số 80/2021/TT-BTC thì Công ty là đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho hãng vận tải nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính. Trong trường hợp này, đơn vị làm đại lý tàu biển không phải là đối tượng trực tiếp thanh toán tiền cước vận chuyển cho hãng vận tải nước ngoài nên không phải là đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế nhà thầu nước ngoài thay cho hãng vận tải nước ngoài.
- Chính sách thuế TNCN đối với trường hợp ký hợp đồng với cá nhân không có đăng ký kinh doanh (Công văn 13533/CTHDU-TTHT ngày 08/09/2023 của Cục thuế Hải Dương)
Trường hợp doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phát sinh khoản thu từ lãi bán hàng trả chậm thì khoản thu từ lãi bán hàng trả chậm không phải là lãi tiền gửi, lãi cho vay phát sinh trong kỳ theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Đối với khoản chi phí trả lãi chiết khấu hối phiếu cho Ngân hàng, Công ty căn cứ nghiệp vụ thực tế phát sinh, đối chiếu với quy định về tín dụng để xác định bản chất khoản lãi chiết khấu có thuộc chi phí lãi vay trong quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.
Trường hợp Công ty ký hợp đồng với cá nhân không có đăng ký kinh doanh để cung cấp nhân công làm việc cho Công ty thì thu nhập của cá nhân nhận được thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 10% trước khi chi trả cho cá nhân, không phân biệt cá nhân là đại diện cho nhóm cá nhân. Khoản chi phí nêu trên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải đáp ứng các quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC và có các chứng từ cụ thể:
+ Hợp đồng giao khoán;
+ Biên bản thanh lý hợp đồng;
+ Căn cước công dân của người lao động;
+ Biên bản nghiệm thu sản lượng hoặc biên bản xác nhận công việc hoàn thành;
+ Bảng chấm công;
+ Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN;
+ Chứng từ chi tiền;
+ Chứng từ khấu trừ thuế TNCN.
- Chính sách thuế GTGT đối với hàng mẫu (Công văn 12865/CTHDU-TTHT ngày 17/08/2023 của Cục thuế Hải Dương)
Trường hợp Công ty có thực hiện chương trình khuyến mại không thu tiền của khách hàng, thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì khi xuất hàng, Công ty thực hiện lập hóa đơn trên hóa đơn ghi tên và số lượng hàng hóa, ghi rõ là hàng hóa xuất làm hàng mẫu, giá tính thuế được xác định bằng không (0) và áp dụng thuế suất GTGT theo quy định hiện hành.
Trường hợp Công ty có thực hiện chương trình khuyến mại không thu tiền của khách hàng, không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì khi xuất hàng, Công ty thực hiện lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Trường hợp Công ty xuất khẩu hàng mẫu ra nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0%.
Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mà Công ty sử dụng để khuyến mại dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ.
Hồ sơ và điều kiện xuất hàng mẫu đi cho khách hàng, Công ty thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.